Ý KIẾN CHUYÊN GIA: CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH ĐÚNG CÁCH

Ý KIẾN CHUYÊN GIA: CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH ĐÚNG CÁCH

BS. Nhi - CK 2 Nguyễn Thị Hạnh Lê
PGĐ. Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh
 

 
Ngày nay, các vấn đề về sức khỏe ngày càng được chú trọng hơn, đặc biệt là sức khỏe trẻ em. Trong đó, trẻ sơ sinh từ 0 đến 3 tháng tuổi là đối tượng phải được chăm sóc, nâng niu nhiều nhất. Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển toàn diện của bé, các bậc cha mẹ còn phải lo lắng về các loại bệnh tật. Trong số đó, việc chăm sóc cho làn da của bé cũng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi ở giai đoạn đầu đời này, làn da trẻ còn rất mong manh, non nớt nên khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài sẽ rất dễ mắc phải các bệnh về da như rôm sảy, hăm kẻ, đỏ ngứa, dị ứng, chàm, phát ban hay mụn nước. Nặng hơn, da trẻ có thể bị tấn công bởi nấm C. Albicans gây viêm da và lây nhiễm ở trẻ. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ luôn hết sức quan tâm và lo lắng khi có bất kì điều gì bất thường trên làn da bé yêu của mình. Sau đây tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm và kiến thức trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh.
 
Đầu tiên, một trong những bệnh phổ biến nhất ở trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 3 tháng tuổi là bệnh vàng da. Có 2 loại vàng da: vàng da sinh lý và bệnh lý. Vàng da sinh lý thường xuất hiện trong giai đoạn khi mới sinh, là kết quả của quá trình tăng chất bilirubin trong máu. Hiện tượng này sẽ dần biến mất sau 1-2 tuần nhờ sự thanh lọc của gan. Vàng da bệnh lý xuất hiện khi gan của trẻ không có khả năng đào thải nhanh bilirubin, dẫn đến lượng chất này tích tụ nhiều, ngấm vào não gây nguy cơ tổn thương mắt, giảm khả năng nghe, rối loạn vận động, thiểu năng trí tuệ hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
 
Do đó, bạn cần chú ý để phát hiện tình trạng vàng da sớm. Nên cho trẻ nằm ở phòng đủ ánh sáng tự nhiên, thường xuyên bế trẻ ra chỗ sáng để kiểm tra toàn thân. Trong trường hợp khó nhận biết (Da trẻ đỏ hồng hoặc đen), người mẹ có thể dùng ngón tay ấn nhẹ xuống da trẻ trong vài giây sau đó buông ra. Nếu trẻ bị vàng da, vùng da bị lõm sẽ có màu vàng rõ rệt. Ngoài ra, trẻ không chịu bú, ngủ li bì, có thể khóc thét, người nhũn mềm, thỉnh thoảng lên cơn co giật.
 
Có 2 phương pháp điều trị bệnh vàng da là chiếu đèn và thay máu. Các biện pháp khác là cho trẻ bú mẹ tuyệt đối và bú nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, bạn cũng cần cho bé tắm nắng mỗi ngày khoảng 5-10 phút (trước 8 giờ sáng).
 
Thứ hai là bệnh hăm tã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hăm tã bao gồm việc cha mẹ thiếu kỹ năng dùng tã cho bé đúng cách, không biết thời gian thích hợp để thay tã và không lưu ý đến chất lượng của tã. Vùng da nhạy cảm xung quanh bẹn, mông của trẻ thường xuyên bị ẩm ướt, tích tụ chất bẩn trong các kẽ da, nhất là những trường hợp dùng tã giấy hoặc vải suốt ngày, sự hiện diện của các men đường ruột, vi sinh vật có trong nước tiểu sẽ thay đổi pH của môi trường xung quanh da trẻ, gây kích thích da, gây viêm cấp tính làm da bị đỏ lên gây hăm loét. Hăm tã làm ảnh hưởng đến da của trẻ, giấc ngủ và sức khoẻ.
 
Bạn có thể tránh chứng bệnh này cho trẻ bằng cách sử dụng tã làm bằng chất liệu mềm mại, thoáng khí, thấm hút tốt, kích cỡ vừa vặn với lứa tuổi và cân nặng của trẻ. Bạn cũng đừng quên giữ bé sạch sẽ, lau rửa nhẹ nhàng, tránh chà xát quá mạnh sau mỗi lần đại tiện, tiểu tiện, đợi cho vùng da thoáng sạch, không bị ẩm ướt mới mặc tã vào cho bé và thay tã thường xuyêN. Đồng thời chúng ta cần cho trẻ ăn đủ chất, uống nhiều nước, quan sát vùng da nhạy cảm mỗi ngày để kịp thời phát hiện và điều trị. Khi phát hiện chứng hăm da, nên tạm dừng việc dùng tã giấy, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ nhất là trong những kẻ da khó quan sát, không dùng phấn rôm bôi lên da trẻ vì sẽ khiến lỗ chân lông bị bít , không thông thoáng. Bạn nên giữ vùng da của bé khô thoáng, dùng các loại dầu hoặc kem dành riêng cho trẻ và đưa bé đến bác sĩ nếu thấy bé mệt, bỏ ăn, vùng da bị hăm sưng đỏ, loét khiến bé khóc nhiều.
 
Thứ ba, cha mẹ lo lắng rằng mặc tã giấy cho bé thường xuyên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến đường tiết niệu, bộ phận sinh dục và làm chân bé bị vòng kiếng. Thực tế, việc viêm nhiễm còn tùy thuộc vào việc bạn sử dụng tã như thế nào như tôi có nêu ở trên. Nếu như sử dụng tã đúng cách, giữ bé sẽ luôn sạch sẽ thì sẽ tránh khỏi bị viêm nhiễm.
 
Còn về việc mặc tã nhiều làm cháu vô sinh, đặc biệt là các cháu trai, là không đúng. Đối với nam giới đã trưởng thành, khi mặc quần lót chật sẽ làm ảnh hưỡng đến tinh hoàn và việc sản xuất tinh trùng. Tuy nhiên, đối với các trẻ nhỏ thì do tinh hoàn chưa trưởng thành nên chuyện mặc tã gây vô sinh là không có.
 
Ngoài ra, quan niệm mặc tã sẽ làm cháu bị vòng kiềng cũng không đúng vì tã được làm bằng chất liệu mềm mại, co dãn theo cử động của trẻ nên sẽ không làm ảnh hưởng đến cấu trúc xương của bé. Cháu bị vòng kiềng thông thường là do di truyền. Vì vậy, bạn không phải lo lắng về những ảnh hưởng cũng như việc có nên sử dụng tã giấy hay không.
 
Từ những kiến thức và kinh nghiệm chia sẻ trên, tôi hy vọng chúng ta sẽ quan tâm hơn, cẩn trọng hơn cũng như sẽ tự tin hơn khi chăm sóc bé của mình, đem lại cho bé những điều tốt đẹp nhất. Mong rằng những kiến thức chăm sóc trẻ ngày càng được hoàn thiện và phổ biến đến các bậc cha mẹ, để những năm tháng đầu đời của bé thật trọn vẹn.
 
 

Tags: Sau khi sinh
← Bài trước Bài sau →