CHUYÊN ĐỀ: TẮM CHO BÉ YÊU

CHUYÊN ĐỀ: TẮM CHO BÉ YÊU

Hầu như các ông bố bà mẹ trẻ nào lần đầu tiên tắm cho con cũng không khỏi hồi hộp và thậm chí lo lắng. Đừng sợ, chẳng mấy chốc mà việc này trở thành những giây phút thú vị và có ích hằng ngày đối với bạn và bé.
 
Khi nào thì có thể bắt đầu tắm cho bé?
 
Ở phương Tây có hai cách tắm cho trẻ sơ sinh. Những ngày đầu, khi rốn bé chưa lành hẳn, chỉ nên dùng khăn thấm nước ấm và lau người cho bé. Kể từ tuần thứ 2-4 mới nên đặt cả người bé vào chậu nước để tắm. Một số các bác sĩ nhi hiện nay lại cho rằng có thể tắm cho bé ngay ngày từ nhà hộ sinh về nhà, nếu ngày hôm trước bé đã được tiêm chủng, hoặc ngày hôm sau, trong trường hợp bé được tiêm chủng vào đúng ngày rời nhà hộ sinh.
 
Nên tắm cho bé hàng ngày hay cách ngày?
 
Vì sao chúng ta lại tắm cho bé? Câu trả lời logic thường là: để bé được sạch sẽ. Nếu xét trên quan điểm này thì đối với trẻ sơ sinh chỉ cần tắm 2-3 lần mỗi tuần là đủ. Đương nhiên là hằng ngày chúng ta vẫn làm vệ sinh cá nhân cho bé. Ở độ tuổi này trẻ không dễ bị bẩn, trong khi tắm nhiều dễ dẫn tới hiện tượng khô da.
 
Nhưng nhiều bác sĩ nhi lại cho rằng không nên xem xét việc tắm cho trẻ như là một quá trình vệ sinh cơ thể thông thường. Nước là môi trường quen thuộc đối với bé từ khi còn nằm trong bụng mẹ và rất tốt cho quá trình phát triển tự nhiên của trẻ. Bởi thế nên tắm cho con hằng ngày.
 
Tắm cho bé ở đâu là tốt nhất?
 
Nếu nhà bạn có bồn tắm thì có thể tắm cho bé ở đó, vì bồn tắm tha hồ rộng rãi, bạn sẽ không sợ con bị va đập vào cạnh chậu, lại không có nguy cơ bị lật đổ, tiện lợi vì đã có sẵn trong nhà nên không phải mua thêm chậu nhựa. Tuy nhiên bồn tắm có vài nhược điểm sau đây: vì người lớn cũng sử dụng bồn tắm nên hằng ngày bạn phải kỳ cọ rất kỹ trước khi thả bé vào. Hai nữa là trong khi tắm bố mẹ phải cúi người rất thấp, không tiện lợi và dễ bị chứng đau lưng. Nếu bạn sợ rằng bồn tắm quá to và rộng làm bé có thể bị sặc nước thì không nên đổ đầy nước.
 
Chậu tắm chuyên dành cho trẻ có ưu điểm là vệ sinh vì chỉ có bé được quyền sử dụng, các ông bố bà mẹ trẻ có con đầu lòng cũng cảm thấy tự tin hơn khi tắm cho bé trong chậu nhỏ. Tuy nhiên chậu có kích cỡ hạn chế, vì thế không cho bé tập bơi được.
 
Tắm cho bé vào thời điểm nào trong ngày là hợp lý nhất?
 
Bất kỳ lúc nào thuận tiện cho bố mẹ đều có thể tắm cho bé được. Trong hầu hết các gia đình có thói quen thực hiện trình tự tắm - cho bú - ru bé ngủ. Thông thường sau khi tắm xong bé ăn ngon miệng và ngủ sâu hơn. Nhưng nếu con bạn khi tắm xong lại phấn chấn và tỉnh táo, muốn nô đùa, thì bạn nên tắm sớm hơn, thậm chí có thể vào buổi sáng.
 
Đừng cố gắng giữ con trong điều kiện ống kính, vì các chuyên gia đã chứng minh rằng ở các nước phát triển, do bố mẹ quá cẩn thận giữ gìn vệ sinh cho con mà nguy cơ mắc các chứng bệnh như hen xuyễn và dị ứng lại gia tăng rõ rệt.
 
Nên tắm cho bé trong bao lâu thì vừa?
 
Tùy thuộc vào cảm hứng của bé. Để làm vệ sinh cho bé chỉ cần 3-5 phút là đủ. Khoảng thời gian còn lại để bé đùa giỡn và phát triển trong môi trường nước. Với các bé sơ sinh bạn có thể tắm trong vòng 5-10 phút, khi con được 2 tháng bạn có thể kéo dài thời gian tới 15-20 phút. Các cô cậu 6 tháng tuổi có thể thích nghịch nước hàng 30-40 phút mà còn chưa chán.
 
Nhiệt độ của nước tắm là bao nhiêu thì hợp lý?
 
Đối với trẻ sơ sinh nhiệt độ nước tắm thường dao động trong khoảng 30-37 độ. Nên bắt đầu bằng nhiệt độ 37 độ. Nếu không có nhiệt kế, bạn có thể kiểm tra bằng cách nhúng khuỷu tay của mình xuống nước, nếu bạn thấy vừa, không lạnh quá hay nóng quá là được. Thử bằng bàn tay không chính xác vì nước có thể sẽ bị quá nóng với bé. Chú ý bao giờ cũng thử nước trước khi cho bé vào chậu hay bồn tắm. Vào mùa hè bạn có thể hạ nhiệt độ dần dần, cứ mỗi tuần hãy hạ xuống 1-2 độ.
 
Có nên pha thêm các loại thảo dược vào nước tắm cho bé không?
 
Những ngày đầu, khi rốn bé chưa lành, bạn có thể cho thêm thuốc tím vào nước tắm, hoặc hoa cúc, trà xanh.
 
Tắm cho bé bằng xà phòng loại gì thì tốt?
 
Nên tắm cho bé bằng các loại xà phòng đặc biệt dành riêng cho trẻ em. Nước gội đầu dành cho trẻ sẽ không làm bé bị cay mắt. Không cần thiết phải dùng các loại bọt biển để kỳ cho bé, bởi không gì dễ chịu bằng bàn tay của bố hoặc mẹ. Lạm dụng xà phòng và nước gội đầu là không nên chút nào. Mỗi tuần chỉ nên dùng xà phòng và nước gội đầu không quá 1-2 lần, còn lại chỉ dùng nước sạch tắm cho bé là đủ.
 
Nên làm gì những khi tắm cho bé?
 
Đầu tiên nên chuẩn bị sẵn mọi thứ như khăn mặt, quần áo sạch, kem bôi da. Sau đó thả bé vào chậu tắm hoặc bồn tắm. Nếu là bồn tắm thì bạn chỉ cần giữ đầu con bằng hai tay, sao cho phần mặt của bé nỗi trên mặt nước. Trẻ có lớp mỡ dày hơn của người lớn, vì thế dễ dàng giữ được người để không bị chìm xuống nước. Cho bé bơi trong bồn, chạm chân vào cạnh bồn tắm để bật phần thân người ra, sau đó lật bé nằm úp, hai tay bạn vẫn giữ phần đầu bé như trước.
 
Nếu tắm cho bé trong chậu thì bạn dùng một cánh tay đỡ đầu bé, còn phần bàn tay thì đỡ vùng nách của bé. Khi rửa cho bé nên bắt đầu từ cổ rồi dần dần chuyển tới vùng mông. Gội đầu nên để sau cùng sau khi tắm xong, nhấc bé khỏi mặt nước, lau khô người bé bằng khăn mặt.
 
Mẹ có cho con vào tắm cùng mình được hay không?
 
Hoàn toàn được, thậm chí còn có thể cho con bú khi bạn nằm trong bồn tắm, bé rất thích như thế.
 
Làm vệ sinh rốn như thế nào sau khi tắm?
 
Nhỏ vài giọt ô xy già lên rốn bé, sau đó dùng khăn giấy lau khô rồi bôi thuốc xanh hoặc iod sát trùng. Làm như thế hằng ngày sau khi tắm cho tới khi rốn lành hắn.
 
Bôi gì lên da bé sau khi tắm?
 
Lý tưởng nhất là không bôi gì cả. Chỉ cần lau khô da bé là đủ, đó là cách phòng chống hăm tốt nhất. Nếu vẫn còn có triệu chứng hăm thì bạn nên dùng hoặc kem chống hăm hoặc phấn rôm (dứt khoát không nên dùng cả hai thứ cùng một lúc!). Đôi khi da bé trở nên khô ráp, vì nước hoặc vì không hợp với xà phòng. Trong trường hợp này bạn có thể dùng kem làm ẩm da dùng cho trẻ em.
 
Tắm cho bé có những tác dụng gì?
 
Bơi là một cách đơn giản và hiệu quả để phát triển trí tuệ cho bé. Có những bé được dạy bơi ngay từ những tháng đầu tiên trong cuộc đời.
Luyện cho bé khả năng chịu lạnh trong nước hiệu quả hơn nhiều so với việc luyện bằng không khí lạnh (tính dẫn nhiệt của nước gấp 3 lần so với không khí).
Nước ấm có tác dụng làm bé thư giãn thần kinh và cơ bắp, chữa chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh.
Tắm là những giây phút thoải mái vui vẻ đối với bé, và là cơ hội rất tốt để các ông bố tiếp xúc chơi đùa với con.
 
 
 

Tags: Sau khi sinh
← Bài trước Bài sau →